Máy bay nằm im vì Covid-19, Hàng không đối mặt nguy cơ phá sản

  • Admin Otoday
  • 03/04/2020
  • 850 lượt xem

Hơn 19h tối, sân bay Nội Bài vắng vẻ lạ thường. Không còn khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập người ra vào, loa phát thanh thông báo chuyến bay đi/đến. Cũng không còn cảnh tàu bay xếp hàng chờ cất cánh. Tất cả đều yên lặng, ánh sáng chiếu tại sân bay cũng tiết kiệm hơn bởi không có hoạt động ra vào. Cảnh này đã kéo dài trong khoảng 10 ngày trở lại đây.

Đặc biệt, một cảnh tượng mà theo một lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, là chưa từng xảy ra đối với ngành hàng không dân dụng kể từ khi cất cánh bay đến nay, hàng trăm tàu bay của các hãng “đắp chiếu” nằm không tại sân bay.

Mới 19h tối nhưng hàng trăm chiếc tàu bay xếp hàng đắp chiếu tại Nội Bài.

“Nhìn mà sót ruột, bởi tàu bay không bay, đắp chiếu đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không đình trệ, thậm chí có thể tính đến nguy cơ phá sản nếu không trường vốn”- một lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chia sẻ.

Giữa tháng 3 vừa qua, Cục Hàng không đã dự báo, ngành hàng không có thể thiệt hại tới 30.000 tỷ đồng. Song, con số này đến nay được cho là không chính xác và còn gia tăng gấp nhiều lần bởi dịch Covid-19 đến giờ chưa lường được kịch bản.

Từ 1/4/2020, Bộ GTVT đã yêu cầu, dừng toàn bộ các đường bay nội địa, chỉ còn khai thác 3 đường bay giữa Hà Nội-TP.HCM, Hà Nội- Đà Nẵng và TP.HCM- Đà Nẵng với tần suất, đường bay Hà Nội-TP.HCM được 2 chuyến/ngày; Hà Nội và TP.HCM đi Đà Nẵng được 1 chuyến/ngày. Cả bốn hãng hàng không nội địa phải chia nhau bay.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, 18 sân bay còn lại (bao gồm cả sân bay quốc tế Vân Đồn) tạm thời đóng cửa.

Chi phí đỗ mỗi chiếc tàu bay thân rộng như B787 hay A350 cũng lên tới 4,16 triệu đồng/ngày

Dẫn chứng, đội bay Vietnam Airlines hiện có 108 chiếc, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc Airbus 350. Mỗi tháng, tiền thuê, lãi ngân hàng của một chiếc “siêu tàu bay” này rơi vào khoảng 1 triệu USD/chiếc, cả đội tàu bay thân rộng sẽ lên tới gần 30 triệu USD/tháng.

Tàu bay nằm 'phơi sân' vì Covid-19, Hàng không đối mặt nguy cơ phá sản 3, OFFB
Với tình trạng tàu bay đắp chiếu, hàng không e ngại nhiều hãng sẽ phá sản

Với Vietjet, hãng đang có 75 tàu Airbus 320, Airbus 321 khai thác, ước tính khoản tiền phải trả có thể lên tới 20 triệu USD/tháng. Bamboo Airways hiện cũng đang có đội tàu bay thân rộng gồm 3 chiếc Boeing 787-9 và 20 chiếc máy bay thân hẹp, số tiền phải chi trả mỗi tháng cũng không hề nhỏ.

Ngoài chi phí thuê tàu (hoặc trả lãi vay), hãng hàng không còn phải trả cả tỷ đồng cho tiền đậu đỗ. Được biết, tiền đậu đỗ tại sân bay mỗi ngày của một chiếc Airbus 321 khoảng 1,6 triệu đồng, với dòng Boeing 787 là 4,16 triệu đồng.

Như vậy, riêng tiền sân đỗ máy bay, mỗi tháng, Vietnam Airlines phải chi trên 6 tỷ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng.

Trung tâm hàng không châu Á-Thái Bình Dương (CAPA) ước tính, đến cuối tháng 5 này, hầu hết các hãng hàng không sẽ phá sản nếu không nhận được các nguồn trợ lực từ các quốc gia.

Mới đây, Bộ GTVT đã đề xuất một số giải pháp, như áp dụng chính sách giảm 50% giá cất, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến với các chuyến bay nội địa, giảm giá 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá trong 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 5).

Theo đại diện các hãng hàng không, mức giảm này dù khá tích cực nhưng chưa thấm vào đâu so với thiệt hại hiện tại của các hãng, đặc biệt thời gian hỗ trợ quá ngắn, chỉ trong 3 tháng. Ngay cả khi dịch kết thúc, các hãng vẫn cần thêm tối thiểu 3-6 tháng để phục hồi.

Theo quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT, các hãng hàng không đang chịu 16 loại chi phí dịch vụ tại cảng. Vietnam Airlines (gồm cả Jetstar Pacific và Vasco), Vietjet Air, Bamboo Airways năm 2019 đã nộp khoảng 12.700 tỷ đồng các loại phí trực tiếp và gián tiếp.

Nếu giảm về 0 đồng với 11/16 loại phí do Nhà nước quy định khung giá như đề xuất của Bộ GTVT, các hãng chỉ giảm được khoảng vài trăm tỷ đồng, so với hàng chục nghìn tỷ đồng thiệt hại chưa được cho là đáng kể.

Với phí cất hạ cánh và điều hành bay chiếm từ 10-20% tổng chi phí mỗi chuyến bay, do đó, các hãng hàng không đề xuất giảm 50% với cả 2 loại phí trên trong cả năm 2020.

Ngoài ra, để kích cầu đi lại của người dân khi thị trường phục hồi, việc miễn phí phục vụ hành khách với chuyến bay nội địa (hiện thu từ 70.000-110.000 đồng/người) và giảm 50% với các chuyến bay quốc tế trong 12 tháng rất cần thiết.

Ngoài ra, các hãng hàng không cũng kiến nghị được giảm 50% thuế nhập khẩu nhiên liệu và bảo vệ môi trường trong 3 tháng. Riêng năm 2019, tiền thuế này do các hãng bay nộp ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng.

Hàng không chưa bao giờ bi đát như thế

Trao đổi về khó khăn hiện hữu với ngành hàng không, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận, thời gian này, tất cả các hãng đều rất khó khăn vì cơ bản phải dừng bay để tham gia chống dịch Covid-19. Nếu tiếp tục kéo dài, thiệt hại rất lớn.

Theo ông Thắng, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến ngành hàng không không thể đưa ra các dự báo về sản lượng khai thác hay đánh giá được tăng trưởng trong năm 2020.

“Vấn đề lớn nhất của các hãng hàng không hiện nay là dòng tiền đã mất hết. Thậm chí, Cục Hàng không còn lo lắng có thể có hãng không trụ được, dẫn tới phá sản. Lịch sử ngành hàng không Việt Nam chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn, bi đát như bây giờ”- Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam bày tỏ.

Theo ông Thắng, giải pháp hiện giờ là các hãng hàng không nên cố gắng khai thác bay hàng hoá trong khi hành khách chưa được vận chuyển nhằm giảm tối đa thiệt hại. Cục Hàng không hỗ trợ tối đa giúp các hãng triển khai được các chuyến bay hàng hoá, giảm một phần số tàu nằm đất và có một chút doanh thu trang trải chi phí.

Giải pháp thứ hai là tiết giảm tối đa chi phí, kết hợp với đàm phán với các chủ nợ, các nhà cung ứng dịch vụ để khoanh nợ, giãn nợ.

Về phía nhà nước, Cục Hàng không đã báo cáo Bộ GTVT và Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ về các biện pháp cụ thể hỗ trợ các hãng trong thời điểm khó khăn này.